Hàng hóa rục rịch tăng giá theo cước vận tải

Nhiều đại lý vật liệu xây dựng, doanh nghiệp chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi cho biết, nếu giá vận tải tăng 1-2 lần so với trước đây, giá hàng hóa thời gian tới có thể tăng thêm 5-15%.

Sau lệnh tổng kiểm tra trọng tải trên các quốc lộ của Bộ Giao thông Vận Tải từ 1/4, nhiều doanh nghiệp vận tải đã quyết định tăng cước phí gấp đôi so với trước. Với lý do này, nhiều doanh nghiệp, đại lý sắt thép, vật liệu xây dựng, thức ăn chăn nuôi cho biết, đang xem xét để đưa ra mức giá mới phù hợp.

Khảo sát của VnExpress.net tại một số đại lý chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng tại TP HCM, hầu hết các chủ đại lý cho biết chưa có thông báo chính thức, nhưng cũng đã nhận được lời nhắn nhủ của chủ doanh nghiệp cung cấp hàng, có thể một tuần nữa giá hàng hóa sẽ đồng loạt tăng.

Vật liệu xây dựng rục rịch chờ tăng theo giá cước vận tải. Ảnh: HT


Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7) cho hay, hiện hàng tồn kho còn nhiều nên giá vẫn chưa tăng, tuy nhiên mới đây doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng đã nhắc nhở thời gian tới giá sẽ nhích lên khoảng 10-20% do cước phí vận chuyển hàng hóa tăng.

“Siết chặt kiểm tra trọng tải là việc làm tốt. Tuy nhiên, nó sẽ tác động một phần đến giá cả sản phẩm. Do vậy, thời gian tới giá sản phẩm có tăng cũng mong người tiêu dùng chia sẻ”, chủ đại lý trên nói.
Chủ cửa hàng vật liệu xây dựng trên đường Lương Định Của (quận 2) cũng cho biết, hơn tuần nay một số doanh nghiệp vận tải vẫn hay chở hàng cho ông nói về việc tăng giá vận chuyển sắp tới. Cộng chi phí tăng thêm này vào, chủ cửa hàng dự báo giá bán có thể tăng trong khoảng 5-10%.

Một nhà phân phối vật liệu xây dựng tính toán, 1m2 gạch Ceramic nặng 21kg vận chuyển từ Thái Bình đi Đà Nẵng, cước phí lâu nay là 400.000 đồng một tấn, tính ra chủ hàng trả 8.000 đồng một m2. Nếu cước phí vận tải tăng gấp đôi, lên 800.000 đồng một tấn, tương đương 16.000 đồng một m2, giá bán gạch Ceramic chắc chắn phải tăng theo nếu không muốn thua lỗ.

Về phía doanh nghiệp, ông Nam – Giám đốc Công ty TNHH thép Nam Thành Vinh cho biết, từ khi giá cước vận tải tăng, toàn bộ hàng hóa tại công ty ông đều tăng từ 5-7%. Cụ thể, giá xi măng trước đây một bao 50kg là 83.000 đồng nay lên 85.000 đồng, mỗi khối cát, gạch tăng thêm 10.000 đồng.

Bên cạnh đó, ông Nam cho biết, giá tăng khiến công ty chịu thiệt thòi, bởi lẽ các hợp đồng dài hạn của công ty đã ký với đối tác là giá cũ, nên khi có biến động công ty buộc phải bù lỗ chứ không thể tăng theo thị trường.

Không chỉ có vật liệu xây dựng rục rịch tăng giá, ngay cả giá thức ăn chăn nuôi gia súc và sản phẩm chăn nuôi cũng sẽ nhích lên trong thời gian tới.

Ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình cho biết, nếu cước phí vận tải tăng 100%, thời gian tới giá thức ăn gia súc sẽ tăng 200 đồng một kg. Như vậy, một bao thức ăn gia súc loại 50kg sẽ tăng khoảng 10.000 đồng.

“Theo tôi, việc siết chặt trọng tải là điều nên làm dù giá cả có tăng đôi chút, nhưng việc vận hành của doanh nghiệp sau này sẽ quy củ hơn”, ông Bình nói.

Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công cũng cho biết, giá cước vận chuyển tăng, chắc chắn giá các loại gia súc, gia cầm cũng sẽ tăng.

“Giá cước sẽ tác động một phần lên giá heo hơi. Bởi lẽ, trước đây thương lái chỉ trả một triệu đồng cho cước vận chuyển 30 con với tải trọng 4 tấn. Nay nếu chở đúng trọng tải chỉ chở được 1,5 tấn, như vậy giá cước sẽ tăng lên gấp đôi so với bình thường. Chi phí này sẽ khiến cho giá heo hơi bị tác động”, ông Công giải thích thêm.

Trước đó, trao đổi với VnExpress.net, nhiều hãng vận tải cho biết sẽ tăng cước phí bởi nếu phải chở đúng trọng tải, số lượng chuyến vận chuyển hàng hóa sẽ tăng lên khi đó chi phí và thời gian vận chuyển sẽ tăng.

Còn theo tính toán của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, cước chở hàng chính xác phải 5.000-7.000 đồng một tấn trên mỗi km, song hiện nay các doanh nghiệp vận tải hàng hóa đang chở với giá 1.800-2.200 đồng, do đó rất nhiều xe vận chuyển hàng hóa những ngày qua tìm mọi cách né các trạm kiểm tra tải trọng. Vì vậy, theo hiệp hội, nếu giá cước hiện nay đưa về giá trị thực, sẽ tăng lên 2-2,5 lần.

Một trong những biện pháp được không ít doanh nghiệp áp dụng để tránh phải trả cước phí cao là chuyển qua vận chuyển bằng đường sắt và đường thủy. Tuy nhiên, bà Dương Thị Yến, giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh gạo cho biết, một tuần nay bà đã tăng cường vận chuyển gạo từ TP HCM ra ngoài Bắc bằng tàu hỏa. Nhưng giá cước vận chuyển bằng tàu hỏa cũng đã tăng lên khá nhiều. Trước đây, cước vận chuyển bằng tàu hỏa là 450 đồng một kg hàng hóa, nay tăng lên thành 680 đồng một kg sau khi cộng thêm một số khoản phụ phí.

Theo bà Yến, cước phí này nhìn chung vẫn rẻ hơn cước phí vận tải bằng ô tô, nhưng do số lượng toa tàu hạn chế, làm ảnh hưởng đến thời gian giao nhận cho khách hàng.

Theo giaothongvantai.com.vn

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Doanh nghiệp vận tải ký cam kết thực hiện nghiêm Luật Giao thông đường bộ

Đúng với tinh thần của Luật Giao thông đường bộ năm 2008, các doanh nghiệp vận tải cần ký cam kết thực hiện nghiêm các...

Đề xuất biện pháp tổng thể quyết loại xe quá tải

Ngày 26/4, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ký công văn gửi các địa phương, Bộ, ngành liên quan đề nghị tiếp tục...

“Luồng gió mới” cho các công ty vận tải biển Việt Nam

Với tốc độ phát triển trung bình 20%/năm và doanh số lên đến con số tỉ USD, logistics đã và đang trở thành một ngành...

Cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình đội giá đầu tư gần 2,5 lần

Sau hai lần điều chỉnh, mức đầu tư của đường cao tốc dài 50 km này tăng từ 3.734 tỷ đồng lên 8.974 tỷ đồng,...

Hỗ trợ trực tuyến
Hãy liên hệ với chúng tôi bằng việc lựa chọn phương thức thuận tiện cho bạn
Chat zalo Zalo Chat Chat Messenger Messenger Email Gửi Email
Chat zalo